Trường học hạnh phúc - Nơi hình thành giá trị cốt lõi
12 Tháng 11, 2024
Hiện nay bên cạnh trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh, việc tạo dựng ngôi trường hạnh phúc cũng là một mục tiêu quan trọng của ngành Giáo dục. Trường học hạnh phúc là nơi mỗi thầy cô xây dựng hạnh phúc trong nghề và cuộc sống, từ đó chính họ là người truyền cảm hứng, mang đến niềm vui, hạnh phúc cho học sinh mỗi ngày đến trường.
Điều gì tạo nên trường học hạnh phúc?
Trường học hạnh phúc là dự án được UNESCO khởi động từ năm 2014. Đây là dự án giúp thúc đẩy hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của người học, coi trọng và nuôi dưỡng các tài năng và thế mạnh đa dạng hơn là chỉ có kết quả học tập.
Trường học hạnh phúc không chỉ chú trọng vào việc truyền đạt kiến thức mà còn tập trung vào việc tạo dựng môi trường học tập vui vẻ, an toàn, và thân thiện. Tại trường học hạnh phúc không có bạo lực học đường, vi phạm đạo đức, những hành xử xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể nhà giáo và học sinh. Đây là nơi mà thầy cô và học sinh vui sống trong sẻ chia, cảm thông và yêu thương nhau.
Ngoài ra, trường học hạnh phúc không đơn thuần là việc xây dựng cơ sở vật chất hiện đại hay chương trình giảng dạy tiên tiến. Nó còn phụ thuộc vào việc nuôi dưỡng tinh thần và cảm xúc của mọi thành viên trong cộng đồng trường học. Mục tiêu chính là tạo nên một môi trường học tập nơi các em học sinh không chỉ phát triển về mặt kiến thức văn hóa, mà còn dạy cho các em về đạo đức làm người, có lối sống lành mạnh, tích cực, biết quan tâm chia sẻ và giúp đỡ mọi người….
Tiêu chí xác định trường học hạnh phúc
Theo UNESCO, có 22 tiêu chí để xác định Trường học hạnh phúc. 22 tiêu chí này xoay quanh 3 chữ P.
Chữ P đầu tiên là People (con người). Gồm các yếu tố: tình bạn và các mối quan hệ trong cộng đồng nhà trường, thái độ tích cực của giáo viên, tôn trọng sự đa dạng và khác biệt của các cá nhân, sự tích cực và hợp tác giữa các thành viên trong nhà trường, điều kiện làm việc của giáo viên, kỹ năng và năng lực của giáo viên.
Chữ P thứ hai là Process (Hệ thống). Bao gồm các yếu tố như: khối lượng công việc hợp lý và công bằng, tinh thần hợp tác và làm việc nhóm, phương pháp giảng dạy và học tập hấp dẫn, học tập tự do, sáng tạo… Đây là các quy trình, chính sách, hoạt động được thiết kế để vận hành ngôi trường một cách hợp lý.
Chữ P thứ ba là Place (Môi trường). Bao gồm các yếu tố như: môi trường học tập thân thiện, an toàn, không gian xanh…
Các tiêu chí quan trọng, cốt lõi của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Bên cạnh 22 tiêu chí cơ bản, mô hình trường học hạnh phúc được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai còn nêu bật 3 tiêu chí quan trọng, có tính cốt lõi. Đó là: yêu thương, an toàn và tôn trọng.
Tiêu chí yêu thương là sự quan tâm, chia sẻ, tin tưởng, hỗ trợ và bao trùm trên cùng là bao dung.
Tiêu chí an toàn là trường học phải an toàn về thể chất và tinh thần. Giáo viên, học sinh phải được bảo vệ, không có sự xúc phạm về thể xác và tinh thần để mỗi khi đến trường như là về nhà.
Tiêu chí tôn trọng là cần tôn trọng sự khác biệt. Bởi chính sự khác biệt ấy mới tạo nên sự đa dạng về văn hóa và đổi mới. Tôn trọng sự khác biệt, trước hết là không áp đặt, đem giá trị của một vài cá nhân, áp đặt cho cái chung.
Xây dựng trường học hạnh phúc - nhiệm vụ cấp thiết của ngành giáo dục
Bối cảnh ngành giáo dục hiện nay
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 2023, giáo dục đang chịu áp lực kép bởi thiếu vốn, dịch bệnh thiên tai, sự phát triển đột phá của công nghệ và những biến đổi về di cư, xung đột chiến tranh. Kết quả của những thách thức này bao gồm thành tích học tập thấp và không đồng đều trên diện rộng, phúc lợi của học sinh và giáo viên giảm sút, tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường gia tăng, bạo lực học đường, học sinh bỏ học và nghỉ học sớm, khối lượng công việc nặng nề khiến cho giáo viên kiệt sức và thiếu hụt nhân lực.
Đây là thách thức lớn đối với ngành Giáo dục hiện nay. Với thách thức này, ngành Giáo dục cần phải nỗ lực trong việc đảm bảo môi trường làm việc hạnh phúc, lành mạnh cho giáo viên và môi trường học tập truyền cảm hứng, xây dựng những giá trị tốt đẹp về nhân cách và trí tuệ cho học sinh.
Thêm một thách thức khác, đó chính là ở thời đại kinh tế thị trường đang phát triển mạnh, thời đại công nghệ số, không gian số, trí tuệ nhân tạo và các yếu tố mới xuất hiện, con người đang đứng trước thách thức mới để phát triển và có một cuộc sống hạnh phúc. Những yêu cầu về năng lực mới, kỹ năng mới, số lượng nghề nghiệp đổi mới nhanh, ranh giới rất mờ, liên ngành và tích hợp nhiều lên...đã đặt ra cho ngành Giáo dục một bài toán khó cần phải giải quyết.
Trường học hạnh phúc - định vị các giá trị cốt lõi
Ngôi trường hạnh phúc là bệ đỡ quan trọng giúp hình thành nhân cách tốt đẹp cho học sinh. Một ngôi trường hạnh phúc sẽ tạo nên cộng đồng học sinh tử tế, tích cực, kỷ cương và có trách nhiệm với xã hội nhờ phương pháp sư phạm tiên tiến, đội ngũ giáo viên tâm huyết, yêu thương học sinh.
Việc tôn vinh những giá trị tốt đẹp như: Yêu thương và đồng cảm; Quan tâm và phục vụ; Bình đẳng và công bằng sẽ giúp học sinh xây dựng được các chuẩn mực giá trị đạo đức cho mình. Bên cạnh đó, trường học cần khuyến khích học sinh phát triển những thái độ như: Tích cực; Dấn thân; Ham học hỏi; Trách nhiệm; Kiên định… giúp các em rèn luyện đức tính tốt, biến sự ứng xử tử tế và giao tiếp lịch thiệp trở thành thói quen hằng ngày.
Ngoài ra, trường học hạnh phúc còn là nơi xây đắp và bồi dưỡng nhân cách tốt đẹp của người thầy. Người làm công việc giảng dạy cần luôn giữ vững triết lý “Dùng nhân cách để giáo dục nhân cách”. Các thầy cô sẽ là những nhân cách tốt đẹp, chuẩn mực, và mô phạm. Để từ đó, người dạy góp phần tạo nên một thế hệ tương lai biết đồng cảm, chia sẻ, giúp đỡ mọi người, luôn hướng về những điều tốt đẹp và biết đặt lợi ích cá nhân sao cho phù hợp với tinh thần tập thể, cộng đồng xã hội.
The Olympia Schools - Kiến tạo môi trường giáo dục hạnh phúc
Không chỉ tiên phong trong xây dựng và đổi mới chương trình giáo dục theo định hướng phát triển năng lực tại Việt Nam, Trường phổ thông liên cấp song ngữ The Olympia Schools tự hào là đơn vị dẫn đầu trong tiếp cận và vận dụng các nội dung, phương pháp giáo dục hiện đại của thế giới. Để từ đó, học sinh Olympia tự tin bước ra thế giới với tri thức, kĩ năng, phẩm chất và năng lực của những công dân toàn cầu nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc Việt Nam.
Triết lý giáo dục của Olympia dựa trên những tư tưởng giáo dục tiến bộ, phù hợp với những xu hướng đột phá và tiệm cận tiêu chuẩn chất lượng của các môi trường giáo dục tiên tiến trên thế giới. Bên cạnh đó, các chương trình dạy của The Olympia Schools luôn chú trọng tới việc tạo dựng môi trường học tập tích cực, hạnh phúc cho cả đội ngũ giáo viên và học sinh. Từ đó, Olympia trở thành tiền đề giúp hình thành nên nhân cách dựa theo giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc, song song với việc bồi dưỡng phẩm chất, năng lực của công dân toàn cầu cho các em học sinh.
Ngôi trường của đa dạng tài năng
The Olympia Schools không chỉ tập trung vào việc giảng dạy kiến thức mà còn chú trọng đến việc phát triển toàn diện các kỹ năng mềm, kỹ năng sống và tư duy sáng tạo của học sinh. Olympia đặc biệt chú trọng vào việc phát hiện và nuôi dưỡng những tài năng riêng biệt, giúp mỗi học sinh phát triển một cách toàn diện.
Môi trường học tập tại The Olympia Schools khuyến khích học sinh khám phá bản thân, từ đó phát huy tối đa tiềm năng. Thông qua các chương trình học đa dạng và sáng tạo, học sinh không chỉ được trang bị kiến thức học thuật mà còn các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống.
Phương pháp giáo dục dựa trên triết lý lấy người học làm trung tâm
Olympia luôn tuân theo triết lý lấy người học làm trung tâm. Học sinh không tiếp nhận kiến thức một cách bị động từ việc truyền đạt của thầy cô mà chủ động tham gia các hoạt động học tập để thực hiện quá trình khám phá và lĩnh hội kiến thức. Với định hướng đó, các phương pháp dạy học của nhà trường tập trung vào những phương pháp cơ bản sau:
Dạy học kiến tạo
Quá trình dạy học ở Olympia luôn hướng đến việc kiến tạo nhận thức của người học. Các em tiếp nhận kiến thức với trải nghiệm và kinh nghiệm sẵn có và kết hợp sự sáng tạo của bản thân để thu về hiểu biết và kiến thức mới. Phương pháp này giúp đảm bảo được tính tự nhiên của quá trình nhận thức và duy trì hứng thú, thái độ tích cực của người học, giúp các em có được kỹ năng và năng lực học tập trọn đời.
Dạy học trải nghiệm và tích hợp liên môn
Các tình huống và vấn đề dạy học được thiết kế dựa trên trải nghiệm thực tiễn của học sinh, giúp các em huy động được vốn sống và kinh nghiệm cá nhân trong quá trình chiếm lĩnh kiến thức. Các trải nghiệm và phương pháp tiếp cận liên môn giúp học sinh nhận ra và củng cố mối liên hệ của kiến thức trong các lĩnh vực khác nhau, cũng như cách vận dụng trong các ngữ cảnh sinh động và đa dạng.
Dạy học định hướng tình huống và hiện tượng
Quá trình học tập của học sinh xuất phát từ các tình huống có vấn đề hoặc các hiện tượng. Các tình huống hoặc các hiện tượng được sử dụng để tạo ra mâu thuẫn giữa điều đã biết và điều chưa biết trong nhận thức của học sinh, giúp các em nảy sinh nhu cầu và động cơ trong việc tìm hiểu kiến thức.
Dạy học giải quyết vấn đề
Học sinh sẽ truy cầu kiến thức và phát hiện ra cách thức, phương pháp để giải quyết vấn đề. Phương pháp này giúp người học hình thành tư duy phản biện và năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề.
Dạy học định hướng quá trình và kết quả
Các hoạt động học tập được thiết kế có chủ đích với mục tiêu rõ ràng, hướng đến các yêu cầu cần đạt về kiến thức, kĩ năng, năng lực và phẩm chất của người học. Với vai trò chủ thể trong các hoạt động học tập, học sinh biết rõ mục tiêu và mục đích của mỗi hoạt động, chủ động lập kế hoạch và điều chỉnh các quá trình để đạt được các mục tiêu đề ra.
Học tập hỗn hợp (Blended learning)
Trong mô hình học tập hỗn hợp, ngoài việc tương tác trực tiếp với giáo viên trên lớp học, học sinh có thể sử dụng công nghệ thông tin để tìm hiểu kiến thức qua mạng internet và nguồn tài liệu đa phương tiện, tương tác với bạn học và thầy cô giáo ngoài lớp học và ngoài giờ học. Mô hình này cho phép học sinh có thể tự tìm hiểu kiến thức trước khi đến lớp và đề xuất các câu hỏi, thắc mắc phát sinh trong quá trình tìm hiểu kiến thức.
Học sâu (Deep learning)
Đây là xu hướng dạy học hiện đại hướng đến phát triển năng lực của người học. Thước đo kết quả của việc học tập còn là năng lực học tập trọn đời. Nhà trường luôn tập trung nguồn lực để thực hiện tốt nhất điều này. Trong đó hướng đến 3 trụ cột làm nên môi trường thúc đẩy Deep learning gồm (1) đổi mới vai trò và mối quan hệ giữa người dạy và người học, (2) tạo ra các nhiệm vụ học tập có tính thực tiễn, tính tích hợp và giàu tính thử thách, (3) đẩy mạnh công nghệ hóa, tạo ra các nguồn lực hỗ trợ tối đa quá trình học tập.
Chương trình học giúp trẻ phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất và tinh thần
The Olympia Schools xây dựng lộ trình học tập gồm Chương trình Song ngữ và Chương trình Tích hợp chứng chỉ quốc tế đa dạng. Từ đó, chương trình này giúp cá nhân hóa lộ trình học tập cho học sinh và phù hợp với định hướng của mỗi gia đình.
Chương trình Song ngữ tại Olympia có sự liên thông, kết nối giữa các cấp học và đặc biệt quan tâm tới giữ gìn bản sắc văn hoá Việt trong thế hệ trẻ. Chương trình Olympia là sự kết hợp hài hoà, chọn lọc giữa nhiều điểm ưu việt của các chương trình phổ thông hiện đại trên thế giới để tạo nên một môi trường học tập độc đáo, riêng biệt chỉ có tại Olympia.
Chương trình Tích hợp - Chứng chỉ Hoa Kỳ & IB là chương trình giáo dục tích hợp giữa Chương trình giáo dục của trường Marianapolis Preparatory School, Hoa Kỳ hoặc Chương trình Tú tài quốc tế IB - DP với Chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam. Hoàn tất Chương trình Tích hợp - Chứng chỉ Hoa Kỳ, học sinh nhận được bằng THPT của Bộ GDĐT Việt Nam và bằng tốt nghiệp THPT Hoa Kỳ của trường Marianapolis, hoặc chứng chỉ Tú tài quốc tế.
Chương trình học chỉ có tại Olympia
Bên cạnh đó, The Olympia Schools còn triển khai các chương trình giáo dục đặc biệt như chương trình LiFE (Learning in Foresting Environment). Đây là chương trình phát triển bản thân, thông qua trải nghiệm cá nhân, sống chung với người khác và thế giới, tập trung vào hiện tại và chuẩn bị cho các kế hoạch trong tương lai. Phương pháp giáo dục của chương trình này để tự học sinh cùng sự trợ giúp của giáo viên và các lực lượng giáo dục khác tìm ra cách lý giải, giải quyết vấn đề trong cuộc sống. Đây là một chương trình học chính khóa tại The Olympia Schools, tương đương với các môn học khác.
Nhờ vào sự kết hợp giữa chương trình giảng dạy sáng tạo, tiên tiến, đội ngũ giáo viên chuẩn mực, và môi trường học tập thân thiện, The Olympia Schools đã trở thành một hình mẫu cho mô hình trường học hạnh phúc tại Việt Nam. Đây là nơi học sinh không chỉ học tập mà còn cảm nhận được tình yêu thương, niềm hạnh phúc trong quá trình trưởng thành và phát triển bản thân.
----------------------
TRƯỜNG PHỔ THÔNG LIÊN CẤP SONG NGỮ OLYMPIA
Tiên phong trong xây dựng và đổi mới chương trình giáo dục theo định hướng phát triển năng lực tại Việt Nam, Olympia tự hào là đơn vị dẫn đầu trong tiếp cận và vận dụng các nội dung, phương pháp giáo dục hiện đại của thế giới để học sinh Olympia tự tin bước ra thế giới với tri thức, kĩ năng, phẩm chất và năng lực của những công dân toàn cầu, bên cạnh việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt.
Địa chỉ: Khu đô thị mới Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội
Hotline: 093 4525 889
Website: https://theolympiaschools.edu.vn/