Tương lai của giáo dục: Thế giới cần gì ở những đứa trẻ vào năm 2030?
19 Tháng 4, 2023
Mô hình La bàn học tập 2030 được khởi xướng bởi OECD (OECD Learning Compass 203) mở ra một xu hướng mới trong bức tranh giáo dục tương lai với những thay đổi quan trọng nhằm giúp học sinh thích ứng với thế giới đầy biến động.
Sự thay đổi nhanh chóng của xã hội hiện đại đòi hỏi tốc độ thích ứng và thay đổi của mọi ngành. Giáo dục cũng không phải ngoại lệ. Khi thị trường lao động không ngừng biến đổi với nhiều công việc mới, đòi hỏi các kỹ năng mới; khi nhu cầu học tập của con người không chỉ để đáp ứng công việc mà còn thúc đẩy một cuộc sống ý nghĩa mang lại giá trị cho bản thân và cộng đồng, giáo dục cũng cần những bước tiến mới phù hợp.
Dự án Tương lai của Giáo dục và Kỹ năng 2030 được thực hiện bởi Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế (OCED) đã ra mắt mô hình Learning Compass 2030 - khung học tập mới nhằm phù hợp với định hướng phát triển tương lai của giáo dục. Learning Compass 2030 mở rộng mục tiêu giáo dục, định hướng người học hướng tới một tương lai đề cao sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân và cộng đồng.
Hình tượng la bàn học tập nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của học sinh cần tự định hướng trong những hoàn cảnh mới, tìm ra một hướng đi phù hợp và có ý nghĩa, thay vì chỉ nhận sự chỉ dẫn từ giáo viên. Nói một cách đơn giản, năng lực tự chủ và chủ thể của mỗi học sinh được đề cao. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc học sinh sẽ phải làm mọi việc một mình hay không có sự hướng dẫn. Mỗi cá nhân học tập, phát triển và rèn luyện tính chủ thể trong các môi trường xã hội, với sự hỗ trợ của bạn bè, giáo viên, gia đình và cộng đồng. Đây chính là khái niệm đồng - chủ thể.
Mô hình La bàn học tập 2030 được thực hiện bởi Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế (OCED)
Với mô hình học tập Learning Compass, học sinh cần có kiến thức, kỹ năng, thái độ và giá trị nền tảng, được gọi chung là nhóm Core Foundations. Cụ thể là:
Nhóm kiến thức |
Nhóm kỹ năng |
Nhóm giá trị và thái độ |
1. Kiến thức phân môn 2. Kiến thức liên môn 3. Kiến thức nhận thức luận 4. Kiến thức tiến trình |
1. Kỹ năng nhận thức và siêu nhận thức 2. Kỹ năng xã hội và cảm xúc 3. Kỹ năng thể chất và kỹ năng thực tiễn |
1. Giá trị cá nhân 2. Giá trị xã hội 3. Giá trị cộng đồng 4. Giá trị con người |
Người học cần phát triển khả năng định vị bản thân trong thế giới. Để đáp ứng với xã hội phức tạp và đầy biến động cũng như định hướng một tương lai tốt đẹp hơn, mỗi người học cần được trang bị 3 năng lực chuyển hóa (transformative competencies). Đây là những năng lực giúp người học có thể điều chỉnh bản thân, linh hoạt thay đổi để phù hợp với những tình huống mới trong thế giới không ngừng vận động.
- Năng lực kiến tạo những giá trị mới
- Năng lực giải quyết những căng thẳng và tình thế lưỡng nan
- Năng lực chịu trách nhiệm
Để có thể phát triển, hoàn thiện và cải thiện những năng lực cá nhân và ngày càng hoàn thiện tiến trình học, Learning Compass nhấn mạnh chu trình AAR (Anticipation - Action - Reflection): Đánh giá - Hành động - Phản tư.
Mục tiêu của OECD Learning Compass nhằm hướng tới sức khỏe thể chất, cảm xúc và tinh thần toàn diện (well-being) cho mỗi cá nhân và toàn xã hội. OECD cũng xác định 11 yếu tố đóng góp vào well-being của mỗi cá nhân trong cuộc sống mới, tương đương với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc.
Khung đánh giá của OECD về sức khỏe thể chất, cảm xúc và tinh thần
Có thể thấy rõ OECD Learning Compass 2030 mong muốn trang bị cho học sinh các năng lực không phải để đáp ứng một tình huống cụ thể trong tương lai mà nhìn rộng hơn, để đáp ứng với những biến động không ngừng của xã hội. Không ai biết trước được thế giới sẽ thay đổi như thế nào trong 5 hay 10 năm tới nhưng các nhà giáo dục hiểu rằng những năng lực chuyển hóa (transformative competencies) sẽ giúp học sinh có thể thay đổi cùng xã hội.
Chuẩn bị cho học sinh trước những thay đổi sẽ diễn ra trên quy mô toàn cầu cũng là xu hướng phù hợp của các chương trình học tập hiện đại. Tuy nhiên, thay đổi một chương trình học hay triết lý giáo dục không phải điều đơn giản. Sự chuyển đổi trong nhà trường cần thời gian vài năm và có nhiều khả năng khi quá trình chuyển đổi hoàn tất, một xu hướng giáo dục mới lại xuất hiện. Chính vì vậy, phụ huynh cần lựa chọn các chương trình học tập với tầm nhìn bao quát, giúp trang bị cho học sinh những năng lực cần thiết với sự biến động của tương lai.
Chương trình Tú tài Quốc tế IB tại trường PTLC Olympia phù hợp với định hướng của khung học tập Learning Compass 2030. IB được phát triển dựa trên giá trị cốt lõi nhằm đào tạo “một thế hệ trẻ có tri thức, ham học hỏi, sẵn sàng thích ứng và biết quan tâm sẻ chia trong một thế giới nhiều biến động phức tạp, từ đó xây dựng một thế giới hoà bình, tốt đẹp hơn”. IB hướng tới mục tiêu phát triển những người học có kỹ năng và học tập suốt đời, không chỉ trong môi trường học tập mà cả trong cuộc sống, hướng tới một cuộc sống “well-being” trong tương lai. Được triển khai tại 159 quốc gia, chương trình IB giúp trang bị những kiến thức nền tảng vững chắc để học sinh sẵn sàng chuyển tiếp lên những chương trình quốc tế cao hơn.
Olympia là trường song ngữ đầu tiên tại Việt Nam triển khai chương trình IB PYP và IB DP (dành cho 2 năm cuối trung học). Với gần 20 năm kinh nghiệm xây dựng và phát triển các chương trình song ngữ, chương trình song bằng - quốc tế, Olympia tự tin và tự hào sẽ mang đến cho học sinh Việt Nam những chương trình giáo dục chất lượng, đạt chuẩn quốc tế, giúp học sinh hội nhập với thế giới, làm chủ con đường học tập suốt đời và sẵn sàng đối mặt với những thay đổi trong một xã hội biến động.